Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/2/2023, VN-Index tăng 10,09 điểm (0,96%) lên 1058,29 điểm, HNX-Index tăng 2,87 điểm (1,38%) đạt 210,84 điểm, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,25%) đạt 79,66 điểm.
TTCK với nhiều biến động
Năm 2022 vừa đi qua với nhiều biến động và khủng hoảng như đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát leo thang, lãi suất tăng mạnh trên toàn cầu... Những câu chuyện này tiếp tục là vấn đề thế giới phải đối mặt trong năm 2023. Đó là lý do trong hơn 20 bản báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 của các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới (WB, ADB, HSBC…), những cụm từ như "lạm phát" và "suy thoái" xuất hiện dày đặc.
Trong bối cảnh đó, hầu hết các nhà đầu tư thiên về nắm giữ những tài sản mang tính phòng thủ (tiền mặt, vàng, tiền gửi tiết kiệm) và giảm tỷ trọng các tài sản tăng trưởng (cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản...).
Chuyên gia kinh tế nói rằng, không nhìn thấy cơ hội để chỉ số VN-Index phục hồi về đỉnh cũ 1.500 điểm trong năm 2023 do lạm phát vẫn chưa được kiểm soát, lãi suất vẫn cao, khoảng 285.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn đe dọa gây đổ vỡ tại hàng loạt doanh nghiệp bất động sản.
Tuy vậy, trong khi khuyến nghị nhà đầu tư "thắt dây an toàn", vẫn có cơ hội kiếm lời trong bối cảnh khó khăn, miễn là nhà đầu tư biết sàng lọc cơ hội, đi kèm với nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, tránh đầu tư dàn trải. Năm 2023, các chuyên gia kiến nghị sẽ đầu tư vào vàng và cổ phiếu của những doanh nghiệp có uy tín.
Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư, Quỹ đầu tư Dragon Capital thì cho rằng, 2023 không phải năm đầu tư theo trào lưu, theo nhóm ngành, mà là năm kén chọn cổ phiếu.
Nếu hai năm 2020 – 2021, dòng tiền rẻ ồ ạt đổ vào thị trường khi các hoạt động kinh tế bị đình trệ bởi đại dịch Covid-19 đã giúp chỉ số liên tục phá đỉnh, các cổ phiếu đều tăng mạnh, nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (F0) dễ dàng kiếm lợi nhuận thì từ năm 2022 đến nay, chính sách tiền tệ thắt chặt đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp, làm dòng tiền bị hút ra khỏi kênh chứng khoán, việc đầu tư cổ phiếu khó nương theo chỉ số hay "sóng ngành".
Đặc biệt hi mà hàng loạt doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với kết quả ảm đạm, nhất là những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn.
Triển vọng dài hạn của TTCK
Việc lạm phát đang trong tầm kiểm soát sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tiền tệ đồng thời kỳ vọng nút thắt từ trái phiếu doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ sau khi sửa đổi Nghị định 65. Các yếu tố này sẽ hỗ trợ vấn đề thanh khoản đang khó khăn cục bộ ở một số nhóm ngành cũng như tạo động lực để thị trường chứng khoán đi lên.
Đặc biệt, dòng vốn FDI mới tăng trong tháng 1 phản ánh Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ duy trì đà tăng trưởng ổn định và lạm phát kiểm soát. Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc vẫn đang diễn ra và Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn trước biến động kinh tế - chính trị toàn cầu. Điều này tạo cơ hội dài hạn cho nhóm ngành khu công nghiệp và các ngành liên quan
Việc Trung Quốc tái mở cửa từ đầu tháng 1/2023 cũng sẽ có nhiều tác động tích cực tới nhiều ngành nghề trọng điểm như xuất khẩu, hàng không – du lịch, cảng biển, logistics tuy nhiên quá trình trên sẽ diễn ra chậm.
Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới khi có thể giúp nhiều ngành nghề liên quan hưởng lợi như xây dựng, bất động sản, ngân hàng, v.v... Tuy nhiên, lưu ý bên cạnh yếu tố tích cực trên thì các nhóm ngành khác nhau đều đang gặp khó khăn riêng, đặc biệt là ngành bất động sản. Vì vậy nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ cơ hội và rủi ro đối với từng ngành, mã cổ phiếu cụ thể trước khi giải ngân.
Tìm cơ hội trong sự phân hóa, kỳ vọng vào làn sóng Mid-Cap và Small-Cap
Trong 3 năm trở lại (2020 - 2022), mỗi năm đều xuất hiện một làn sóng nhóm cổ phiếu mid-cap (nhóm vốn hóa vừa) và small-cap (nhóm vốn hóa nhỏ) khi VN-Index hay VN30 có dấu hiệu chững lại. Trong các đợt sóng kể trên, tỷ suất sinh lời của 2 nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vượt trội hơn rất nhiều so với các chỉ số lớn như VN-Index hay VN30.
Các chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện một làn sóng mid-cap và nhà đầu tư có thể đón chờ cơ hội. Lý giải về hiện tượng sóng mid, small-cap, có 2 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, trong giai đoạn thị trường có phần ảm đạm hơn (chỉ số chính đi ngang), dòng tiền của nhà đầu tư luân chuyển xoay vòng từ nhóm cổ phiếu Bluechips sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nhằm mục đích kiếm lợi nhuận.
Thứ hai, nhóm cổ phiếu mid và small-cap có vốn hóa thấp, dễ bị tác động bởi dòng tiền đầu tư hơn. Cụ thể, nhóm VNMID có tổng vốn hóa ~750k tỷ, VNSML ~230k tỷ, trong khi VN30 có vốn hóa tới tận ~3,200k tỷ (gấp 4.3 lần vốn hóa VNMID, 14 lần VNSML).
Do có giá trị vốn hóa không cao, dòng tiền chuyển dịch từ nhóm Bluechips có thể dễ dàng tác động đến giá trị giao dịch của các cổ phiếu nhóm mid, small-cap, từ đó tạo ra các làn sóng đầu tư mid, small cap hàng năm.
Chia sẻ thêm về bối cảnh hiện nay của TTCK, ông Kakazu Shogo CEO PGT Holding bày tỏ:
"Trong bối cảnh thị trường vẫn có thể rung lắc trước diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán thế giới, nhà đầu tư hạn chế lướt sóng và cơ cấu danh mục với tỷ trọng hợp lý có thể chịu được các biến động trong ngắn hạn.
Về danh mục, có thể duy trì nắm giữ hoặc tập trung vào nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt hưởng lợi từ giá hàng hóa và xuất khẩu như: nhóm Thép, Phân bón, Thủy sản, Dệt may, bất động sản, M&A, Bán lẻ… hoặc các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế như hàng không, du lịch…"
Khép lại phiên giao dịch ngày 16/2/2023, mã PGT đóng cửa với mức giá 3,300 VNĐ./