Doanh nghiệp Nhật xúc tiến M&A, tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam.
Liên quan đến cơ hội thị trường M&A Việt Nam đối với nhà đầu tư Nhật Bản ông Masataka “Sam” Yoshida - Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho rằng, hiện tại các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng tăng cường các thương vụ mua bán sát nhập tại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đạt số thương vụ cao nhất với 33 thương vụ với giá trị giao dịch đạt 389 triệu USD, gấp 2,8 lần so với năm 2017. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, Nhật Bản đã thực hiện thành công 21 thương vụ M&A tại Việt Nam, chỉ xếp sau Singapore.
Còn xét về giá trị giao dịch, Việt Nam đứng thứ hai với số tiền giao dịch lên đến 282 triệu USD. Điều này cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản đối với thị trường M&A Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch, còn việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian, vì trước bối cảnh đại dịch thì doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tái cấu trúc lại ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh là vấn đề tất yếu.
"Xu hướng M&A của công ty Nhật Bản vào Việt Nam sẽ sôi động trong giai đoạn tới, bởi doanh nghiệp Nhật Bản cần thị trường mới để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, hầu hết ngành nghề, lĩnh vực ở Nhật Bản đã phát triển chạm trần, gần 1/3 dân số tuổi trên 65 tuổi, khiến độ tuổi trung bình của người Nhật Bản là 48,4 tuổi (hơn người Việt Nam gần 20 tuổi) và dân số giảm khoảng 276.000 người mỗi năm" - ông Masataka “Sam” Yoshida cho biết thêm.
Bên cạnh đó, chiến lược tăng trưởng M&A còn được hỗ trợ bởi nguồn tiền dồi dào ở Nhật Bản đã tích lũy trong 20 năm qua, hơn 2.345 tỷ USD,đã tồn tại dưới dạng tiền gửi ngân hàng với lãi suất 0% và số tiền này cần có nơi đầu tư để sinh lợi nhuận. Không ít trong số đó sẽ “chảy” vào thị trường M&A. Mới đây Công ty Masan High-Tech Materials (MHC) thông báo sẽ thành lập liên minh chiến lược trong ngành vonfram với Tập đoàn Vật liệu Mitsubishi (MMC) để phát triển một nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao hàng đầu. “Việc Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga Yoshihide chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đến thăm đã có tác động tích cực đến các công ty Nhật Bản. Nếu các hạn chế về di chuyển được dỡ bỏ, thì các giao dịch M&A giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng”, đại diện của RECOF nhìn nhận.
Ở phía doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Đinh Nam Hải, Giám đốc điều hành VIVA Business Consulting cho biết, Công ty đã có nhiều thương vụ được thực hiện kể từ tháng 10 vừa qua. Nhờ chính sách mở cửa thị trường, Việt Nam đã trở thành điểm đến rất hứa hẹn để đầu tư,đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thức thời và chuyên nghiệp. “Các nhà đầu tư có khả năng nhắm đến các công ty lành mạnh để thực hiện M&A. Bất chấp sự gián đoạn do Covid-19 gây ra, M&A vẫn là điểm vào cuộc ưa thích của các nhà đầu tư, vì đây là con đường nhanh nhất để thâm nhập thị trường và kiếm lợi nhuận”, ông Hải nói.