Việt Nam – Điểm đến của dòng vốn ngoại
Fitch Ratings hôm 1/4/2021 đã nâng mức triển vọng chung của Việt Nam từ "Ổn định" lên "Tích cực". Trước đó hai tuần, hãng định giá tín dụng Moody's cũng đã thông báo nâng mức triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực". Điều đó thể hiện rõ kỳ vọng của các nhà đầu tư ngoại và cũng là dự báo cho một xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ dòng vốn ngoại về Việt Nam. Trong thông cáo báo chí của Fitch, triển vọng "Tích cực" của Việt Nam được nhìn nhận bởi nhiều yếu tố, những yếu tố quan trọng nhất đã được chỉ ra:
Thứ nhất, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng GDP dương 2,9% trong năm 2020 nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh và nhờ vào các chính sách hỗ trợ hợp lý, dù cho ngành du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 7% trong năm 2021 và 2022.
Thứ hai, tình hình tài chính đối ngoại của Việt Nam lành mạnh, với xuất khẩu tăng khoảng 7% trong năm 2020 và thặng dư vãng lai đạt 3,6% GDP. Fitch Ratings cho rằng nhu cầu về linh kiện công nghệ cao và các thiết bị công nghệ thông tin tại thị trường Mỹ và các nước phát triển là động lực chính của xuất khẩu Việt Nam. Dự báo trong năm 2021 và 2022, thặng dư vãng lai so với GDP sẽ đạt mốc 2,0%, so với các nước cùng hạng là 1,7%.
Thứ ba, dự trữ ngoại tệ mạnh, cán mốc 95,2 tỷ USD vào năm 2020, do thặng dư tài khoản vãng lai và sự chủ động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà Nước. Fitch dự báo dự trữ ngoại tệ sẽ đủ để trang trải tương đương 3,5 tháng nhập khẩu trong năm 2021 và 2022. Không chỉ vậy số thanh toán nhanh của Việt Nam lại được dự báo cao gấp đôi so với các nước cùng hạng.
Thứ tư, Việt Nam thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, năm 2020 dòng vốn FDI ròng đạt 15,4 tỷ USD - khoảng 4% GDP. Fitch Ratings dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục khỏe mạnh nhờ sự đa dạng các đối tác thương mại và sự tham gia vào các thỏa thuận thương mại như Thỏa thuận Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thứ năm, đại dịch có tác động ít hơn lên các vấn đề tài chính công của Việt Nam so với các nước khác cùng hạng. Fitch dự báo thâm hụt ngân sách của Việt Nam ở mức 3,5% GDP năm 2020, trong khi so với các nước cùng hạng con số này lên tới 7,2%, khoảng chênh lệch lớn này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2021 và chỉ bị thu hẹp lại vào năm 2022 khi các chính sách hỗ trợ tài khóa của các nước sở tại được kích hoạt mạnh mẽ hơn.
Thứ sáu, tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP ở mức 38,5%, thấp hơn rất nhiều so với nhóm các nước cùng hạng, khi con số tỉ lệ này của họ đã vượt đỉnh 59% trong năm 2020. Dự báo, tỷ lệ này của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức dưới 39% trong năm 2021 và 2022, thấp hơn rất nhiều so với các nước cùng hạng。