Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt mức 15,484 tỷ tương ứng với 942 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 258 tỷ trong phiên giao dịch khớp lệnh sàn HOSE.
TTCK Việt Nam vẫn là thị trường cận biên
Trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 3/2023 mới công bố của FTSE Russell (là công ty độc lập chuyên cung cấp dịch vụ tạo ra chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu), Việt Nam hiện vẫn được phân loại ở nhóm thị trường cận biên (frontier market), dù đã được thêm vào danh sách theo dõi (watch list) để được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging market) từ tháng 9/2018.
Đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tiêu chí chu kỳ thanh toán (settlement cycle delivery for payment - DvP), hiện đang được xếp hạng ở mức hạn chế (restricted), do thông lệ thị trường tiến hành kiểm tra trước khi giao dịch để đảm bảo tiền sẵn có trước khi đặt lệnh giao dịch.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải cải thiện quy trình đăng ký tài khoản mới do quy trình hiện tại có thể dẫn đến việc kéo dài quá trình đăng ký, đồng thời phải đưa ra một cơ chế hiệu quả tạo điều kiện giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài ở những cổ phiếu sắp hoặc đã đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài.
FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng
Kể từ tháng 9 năm ngoái (2022), FTSE Russell cho biết tổ chức này chưa nhìn thấy được tiến triển rõ ràng nào đối với mô hình đối tác bù trừ trung tâm (central counterparty - CCP), mặc dù tổ chức này nhận thấy đã có sự trao đổi giữa các cơ quan quản lý và các nhóm làm việc về thị trường địa phương.
FTSE Russell cho biết quá trình chạy thử hệ thống giao dịch mới đã bắt đầu từ tháng 2 năm 2023 và sẽ kéo dài trong khoảng 40 ngày giữa Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD) và các thành viên.
"Bằng chứng cũng cho thấy quá trình bàn luận về việc đưa ra chương trình chứng chỉ lưu ký không biểu quyết (non-voting depository receipts - NVDR) đã bắt đầu. Mục đích của chương trình này là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch mà không cần lo lắng về giới hạn sở hữu nước ngoài", FTSE Russell cho biết trong báo cáo.
FTSE Russell cho biết vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ernst & Young (những bên đang hỗ trợ cho chương trình cải cách thị trường) và các cơ quan quản lý thị trường quan trọng khác.
"Việc hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm trong mô hình đối tác bù trừ trung tâm, cũng phải tính tới việc triển khai luật mới, vẫn là một bước quan trọng tiếp theo. Các chỉ dẫn rõ ràng về khung thời gian (nếu có) sẽ được các nhà đầu tư quốc tế ủng hộ", FTSE Russell nhận định.
Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi với tư cách là thị trường cận biên và sẽ được xem xét khả năng nâng hạng thành thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9 năm nay. Tuy vậy, FTSE Russell lưu ý rằng họ rất lo ngại về sự thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải tổ thị trường.
"Nếu thông tin này vẫn chưa được rõ ràng hoặc thời gian thực hiện bị kéo dài trước tháng 9 năm nay, FTSE Russell có thể cân nhắc lại việc giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng".
Kỳ vọng sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi
Trong năm 2023, Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển thị trường.
Theo đó, Ủy ban sẽ rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của thị trường chứng khoán hiện nay và trong thời gian tới.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc và hoàn thiện các hệ thống nền tảng cho hoạt động tổ chức và vận hành thị trường; trong đó tập trung đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX vào vận hành, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả.
Cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán cũng sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm nhằm tăng cường kỷ luật trên thị trường.
Triển khai và hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ năm 2023; tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường hướng đến sự phát triển thị trường chứng khoán minh bạch và bền vững.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế và chủ động đề xuất Bộ Tài chính tổ chức trao đổi với các bộ, ngành liên qua để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo kế hoạch đã đặt ra.
Với góc nhìn là 1 nhà đầu tư CEO của PGT Holdings ông Kakazu Shogo chia sẻ:
"Thị trường chứng khoán là thị trường hết sức nhạy cảm, là thị trường của niềm tin. Do đó, tính minh bạch là điều cần đặc biệt chú trọng. Một thị trường chứng khoán phát triển tốt và bền vững cần dựa trên nhân tố cốt lõi là niềm tin của giới đầu tư và niềm tin này chỉ có thể có nếu thị trường thực sự công khai, minh bạch. Nếu doanh nghiệp không chú trọng những điều này, việc mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường sẽ là điều tất yếu.
Sự minh bạch thông tin có thể được xem như tấm vé thông hành cho các doanh nghiệp niêm yết trên con đường phát triển bền vững. Từ đó các nhà đầu tư có thể tin tưởng giải ngân và kỳ vọng sự tăng trưởng của doanh nghiệp."
Khép lại phiên giao dịch ngày 4/4/2023, mã PGT đóng cửa với mức giá 3,100 VNĐ./