Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng đóng cửa trong sắc xanh. Theo đó, chỉ số HNX-Index tăng 2,27 điểm, đóng cửa tại 241,34 điểm; chỉ số UPCoM-Index tăng 0,29 điểm, đạt 91,21 điểm.
Thanh khoản thị trường chứng khoán có tăng trở lại, nhưng vẫn chưa bứt phá và lên lại mức cao. Tính riêng trên HOSE, tổng giá trị giao dịch đạt mức 24,033 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị khớp lệnh đạt 17,005 tỷ đồng.
Thị trường khả năng sẽ có rủi ro điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 4 được đồng thuận bởi cả góc độ kỹ thuật và các yếu tố cơ bản.
Dưới góc độ kỹ thuật, các chuyên gia cho biết xu hướng đi lên của VN-Index tạm thời chững lại ngay dưới ngưỡng cản kháng cự trung hạn tại 1,288-1,292 điểm sau giai đoạn chỉ số tăng trưởng mạnh.
Với rủi ro nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nhóm phân tích lưu ý các mốc hỗ trợ quan trọng của VN-Index lần lượt tại vùng 1,240-1,230 điểm và xa hơn là 1,203 điểm, bởi các nhịp hồi phục ngắn hạn có thể diễn ra khi chỉ số chạm các vùng này.
Bên cạnh các tín hiệu kỹ thuật, 2 yếu tố rủi ro có thể khiến thị trường cần có một "nhịp nghỉ" gồm: lực bán chốt lời đẩy mạnh khi thị trường đã phục hồi gần 25% trong 5 tháng liên tục song hành biến động tăng của tỷ giá và biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Các chuyên viên nhận định 2 yếu tố rủi ro này có thể nhạy cảm hơn so với các tháng trước do thị trường đang tiệm cận ngưỡng kháng cự quan trọng.
Ở bức tranh lớn, nhóm phân tích tin rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp vẫn khiến cho lợi suất đầu tư trên thị trường cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong bối cảnh hiện tại. Sau các nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong tuần đầu tháng 4, P/E ước tính 1 năm của VN-Index đang ở mức 11.7 lần, tăng nhẹ từ mức 11 lần vào đầu tháng 3.
Song song đó, so với giai đoạn VN-Index tiệm cận mốc điểm số 1,300 điểm ở nửa đầu năm 2021, các chuyên gia chia sẻ giai đoạn hiện tại thị trường đang có lợi thế hơn về mặt định giá cũng như mặt bằng lãi suất cũng đang tốt hơn.