HNX-Index giảm 1,54 điểm xuống 239,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 101,2 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1,791 tỷ đồng. Toàn sàn có 72 mã tăng giá, 123 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,14 điểm lên 91,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 66,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 989 tỷ đồng. Toàn sàn có 142 mã tăng giá, 138 mã giảm giá và 90 mã đứng giá.
Sau động thái đưa trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn giao dịch tập trung, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho biết đang nghiên cứu triển khai thêm một số sản phẩm mới.
#Chờ đón hệ thống hệ thống KRX
Cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi dòng tiền cá nhân ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, thanh khoản tăng đột biến, hệ thống giao dịch của sàn HOSE thường xuyên rơi vào tình trạng “nghẽn lệnh”, gây khó khăn cho giới đầu tư.
Nhiều giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng để khắc phục tình trạng này như nâng lô giao dịch từ tối thiểu 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu, chuyển cổ phiếu từ HOSE sang giao dịch trên HNX. FPT cũng đã vào cuộc khắc phục hệ thống phần mềm giao dịch của HOSE, theo đó nâng khả năng xử lý lệnh gấp 3-5 lần so với hệ thống cũ.
Tuy vậy, đó chỉ là những giải pháp tạm thời, giới đầu tư vẫn chờ đợi hệ thống KRX do đối tác Hàn Quốc thực hiện (bắt đầu triển khai từ nhiều năm trước) đi vào vận hành. Bởi lẽ, thị trường kỳ vọng việc đưa hệ thống KRX vào vận hành là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai một số sản phẩm, nghiệp vụ mới như giao dịch trong ngày (T+0), bán khống, quyền chọn cổ phiếu…
Dù vậy, các chuyên gia cũng thừa nhận, hệ thống KRX rất phức tạp nên đòi hỏi nhiều thời gian để vận hành.
“Hiện HOSE đang phối hợp chặt chẽ với các thành viên trên thị trường để nỗ lực sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin KRX vào hoạt động, đảm bảo vận hành thị trường liên tục hiệu quả, an toàn về hệ thống và xuyên suốt về thông tin”, lãnh đạo HOSE chia sẻ.
Trong cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ đạo cơ quan này và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Theo kế hoạch, hệ thống KRX sẽ đi vào vận hành trong năm nay, tạo nền tảng để có được cải cách khác liên quan đến vận hành thị trường.
#Tăng sản phẩm phái sinh
Trong năm 2023, thị trường chứng khoán phái sinh tròn 6 năm đi vào hoạt động, tuy vậy, sản phẩm của thị trường này vẫn còn quá ít ỏi. Ở các thị trường phát triển, số lượng sản phẩm chứng khoán phái sinh thường lên tới vài trăm mã…
Các thị trường chứng khoán trong khu vực, chẳng hạn thị trường chứng khoán phái sinh Singapore ra đời từ năm 1983, triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 trước rồi mới triển khai tiếp sản phẩm quyền chọn...
Hay thị trường chứng khoán phái sinh Hàn Quốc, Thái Lan luôn triển khai trước các sản phẩm phái sinh được nhà đầu tư cá nhân và tổ chức ưa chuộng là sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán, rồi mới đến các sản phẩm khác.
Theo các chuyên gia, ngoài việc nghiên cứu thêm sản phẩm phái sinh trên chỉ số cổ phiếu như VNX50 hay VNX100, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam cũng nên tiếp tục triển khai các sản phẩm quyền chọn, phái sinh trên lãi suất, trái phiếu...
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong tương lai gần, tiếp đó là hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, sau đó tiến tới hợp đồng quyền chọn như thông lệ trên thế giới.