Toàn sàn có 32 mã tăng trần, 387 mã tăng giá, 894 mã đứng giá, 274 mã giảm giá, 28 mã giảm sàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Trong văn bản này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững theo tinh thần Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 13/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1163/CĐ-TTg về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững; có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023.
Chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
Yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Công điện cũng nêu rõ, cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa theo thẩm quyền việc quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhất là chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững.
Khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Có các biện pháp cụ thể để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
Cố gắng phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ trên cả 2 kênh
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã chủ động triển khai thực hiện một số giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng như: Tổ chức gặp mặt các Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các công ty chứng khoán bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp; rà soát các quy định của pháp luật tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP để có sự chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện hiện nay…
Chia sẻ thêm về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh của thị trường trái phiếu, tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ cố gắng phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ trên cả 2 kênh phát hành đó là phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Đối với kênh phát hành trái phiếu ra công chúng, Bộ Tài chính sẽ cố gắng tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành thì họ có thể phát hành trái phiếu ra công chúng, để tiếp cận đến tất cả các đối tượng nhà đầu tư.
Còn đối với kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, do những biến động thị trường vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có các chỉ đạo để có những giải pháp bình ổn lại sự biến động thị trường.
Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Bộ Tài chính cũng có đề nghị các doanh nghiệp trong trường hợp có những khó khăn vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc với các nhà đầu tư, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu đó.
DN tốt, DN minh bạch mới có thể quay trở lại phát hành trái phiếu huy động vốn
"Để từng bước lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau những vụ việc vừa rồi, chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp phải tự tăng cường tính công khai minh bạch của bản thân doanh nghiệp như thông qua việc thuê tổ chức định mức tín nhiệm, thuê công ty kiểm toán, các công ty định giá để minh bạch tình hình tài chính cũng như tình hình thanh toán nợ của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư.
Có như vậy chúng tôi nghĩ rằng những doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp minh bạch mới có thể tiếp tục quay trở lại để phát hành trái phiếu huy động vốn", ông Nguyễn Hoàng Dương nói.
Điều chỉnh Nghị định số 65/2022/NĐ-CP phù hợp với thị trường trái phiếu
Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng cho biết thêm, về mặt pháp luật, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Tài chính đang rà soát các quy định của pháp luật tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để có sự chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện hiện nay, cũng như tình hình khó khăn hiện của thị trường trái phiếu.
Các nội dung sửa đổi liên quan đến vấn đề gia hạn, hoán đổi trái phiếu, định mức tín nhiệm, nhà đầu tư.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP (So với quy định hiện hành, Dự thảo bổ sung quy định về: giãn thời gian thực hiện trong vòng 01 năm đối với hoạt động xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc; giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt; cho phép gia hạn các trái phiếu đã phát hành còn dư nợ.) đang được Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học sau đó sẽ được tổng hợp để trình Chính phủ.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, các chính sách và việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc điều hành hợp lý các thị trường tín dụng, tiền tệ, hy vọng rằng trong thời gian tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục quay trở lại phát triển bền vững và ngày càng tăng tính minh bạch, hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp sắp được cứu: Giảm sức ép trái phiếu đáo hạn
Các chuyên gia, công ty chứng khoán đánh giá việc dự thảo sửa đổi Nghị định 65 của Bộ Tài chính với nhiều quy định lùi thêm 1 năm sẽ "dễ thở" hơn cho DN, đặc biệt là giảm áp lực đối với trái phiếu sắp đáo hạn, DN cũng không phải cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn như vừa qua.
Theo dữ liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), trong 11 tháng của năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu DN ra công chúng giảm mạnh 60% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng phát hành trái phiếu riêng lẻ tiếp tục giảm, khi tháng 11-2022 chỉ có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận, với giá trị 1,934 tỉ đồng.
Đáng chú ý, thời gian qua các DN cấp tập đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn. Thống kê của VBMA cho thấy các DN đã mua lại gần 164.000 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, sẽ tiếp tục có khoảng 308.622 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, tạo sức ép lớn cho các DN trong bối cảnh nhiều kênh huy động vốn đang bị tắc nghẽn.
Thêm vào đó trước đây, DN bảo đảm cho trái phiếu phát hành bằng cổ phiếu, nay có thể bổ sung bằng bất động sản hoặc tài sản khác. Đây là "khoảng mở" cho DN phát hành mới thuận lợi hơn.
CEO PGT Holdings ông Kakazu Shogo
Với góc nhìn là 1 nhà đầu tư ngoại CEO PGT Holdings ông Kakazu Shogo chia sẻ:
"Thị trường tài chính là thị trường hết sức nhạy cảm, là thị trường của niềm tin. Do đó, tính minh bạch là điều cần đặc biệt chú trọng. Một thị trường tài chính phát triển tốt và bền vững cần dựa trên nhân tố cốt lõi là niềm tin của giới đầu tư và niềm tin này chỉ có thể có nếu thị trường thực sự công khai, minh bạch. Nếu doanh nghiệp không chú trọng những điều này, việc mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường sẽ là điều tất yếu. Sự minh bạch thông tin có thể được xem như tấm vé thông hành cho các doanh nghiệp niêm yết trên con đường phát triển bền vững. Từ đó các nhà đầu tư có thể tin tưởng giải ngân và kỳ vọng sự tăng trưởng của doanh nghiệp."
Khép lại phiên giao dịch ngày 22/12/2022, mã PGT đóng cửa với mức giá 3,000 VNĐ./