PGT Holdings công bố BCTC 6 tháng đầu năm 2021
Ngày 21/09/2021, Công ty Cổ phần PGT Holdings công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021. Đây là một động thái được nhiều nhà đầu tư chú ý theo dõi bởi tình hình tích cực của giá cổ phiếu PGT thời gian gần đây. Nhà đầu tư cần thêm yếu tố để xem xét giá trị nội tại của PGT và phân tích các yếu tố tiềm năng phát triển từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
BCTC 6 tháng đầu năm 2021 của PGT cho thấy công ty có lợi nhuận tăng trưởng dương, tổng tài sản có giá trị cao, quy mô hoạt động lớn. Tuy doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng so với cùng kỳ 2020 nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm so với đầu năm, trích lập dự phòng cho công ty con BMF (Myanmar) đã giảm do tình hình chính trị tại Myanmar đã ổn định hơn.
PGT có kết quả kinh doanh khả quan
Các khoản phải thu khách hàng thường xuyên được theo dõi, các phân tích về khả năng lập dự phòng được thực hiện tại ngày lập báo cáo trên cơ sở từng khách hàng đối với các khách hàng lớn nên công ty không có rủi ro về tín dụng.
Về rủi ro thanh khoản, PGT giám sát rủi ro bằng việc duy trì tỷ lệ tiền mặt và các khoản tương đương tiền ở mức mà Ban TGĐ cho là đủ để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh doanh của công ty để giảm thiểu những ảnh hưởng của việc thay đổi các luồng tiền. PGT cho rằng mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ là không có, công ty có khả năng thanh toán nợ đến hạn nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn.
Từ kết quả BCTC, có thể thấy PGT đang vượt qua được giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và bắt đầu đi vào giai đoạn ổn định để tập trung phát triển các dự định mới.
Hòa nhập văn hóa doanh nghiệp Việt Nhật - Bí quyết để thành công
Được thành lập vào năm 2004, PGT Holdings tiền thân là Công ty TNHH Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex, thuộc tập đoàn Petrolimex. Năm 2015, PGT tiếp nhận chuyển giao cho nhà đầu tư Nhật Bản, chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực M&A (Mua bán & Sáp nhập). Hiện tại, PGT đang có các công ty con: Công ty TNHH MTV Vĩnh Đại Phát (100% tỷ lệ sở hữu) hoạt động trên lĩnh vực công nghệ thông tin, môi giới lao động, tư vấn quản lý; Công ty TNHH BMF Micro Finance (70%) cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, nhận tiền gửi từ khắp Myanmar. Công ty TNHH MASS Việt Nam (100%) chuyên về vận tải hành khách, hàng hóa, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động.
CEO PGT Kakazu Shogo cho biết tiềm năng của thị trường M&A Việt Nam
Hội đồng quản trị của PGT là sự kết hợp của các nhà quản trị Nhật Bản và Việt Nam, công ty cũng hoạt động tích cực trong và ngoài nước, vì vậy vấn đề hòa nhập văn hóa doanh nghiệp là một điều tối quan trọng. Người Nhật đề cao tinh thần kỷ luật, nghiêm túc, trung thực, tôn trọng tinh thần tập thể, khuyến khích nhân viên bày tỏ, đóng góp ý kiến. Còn điểm mạnh của người Việt là sự cần cù, chăm chỉ, dễ dàng thích nghi với cái mới. Nhờ góp nhặt điểm mạnh của hai nền văn hóa, PGT xây dựng được đội ngũ nhân viên có chính kiến, gắn kết với nhau trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm. Nhờ vậy, trong giai đoạn dịch bệnh chủ yếu nhận chỉ đạo từ xa, bộ máy PGT vẫn hoạt động trơn tru.
Nhật Bản là quốc gia có chỉ số tránh rủi ro (UAI) cao vì sống trong môi trường khắc nghiệt về tự nhiên. Vì vậy, người Nhật thường cẩn thận, kín kẽ và thường có các phương án đề phòng rủi ro. Ngược lại, người Việt lại không ngại rủi ro, sẵn sàng chấp nhận thay đổi và thử nghiệm. Nhìn vào quá trình đại dịch Covid diễn ra, có thể thấy sự kết hợp này đã mang đến hiệu quả tích cực tại PGT Holdings. Doanh nghiệp này chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng để hoạt động trong thời kỳ hạn chế do dịch bệnh, cũng sẵn sàng mở rộng thị trường sang những lĩnh vực mới để tìm kiếm thêm cơ hội thành công.
Sắp tới, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn dần hồi phục, PGT dự định sẽ tiếp tục đẩy mạnh mũi nhọn M&A của mình bằng việc xây dựng nền tảng website chuyên về lĩnh vực M&A với chiến lược "Tenbagger’’ (phát triển công ty gấp 10 lần) như các công ty công nghệ Fintech hiện nay.