Thị trường Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư bất chấp dịch bệnh
Những năm gần đây, Việt Nam là thị trường hấp dẫn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp khó khăn chung vì dịch Covid-19, số vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2021. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2021, tổng cộng có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, dẫn dắt thị trường vẫn là những đối tác trọng điểm như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý là việc Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Trước đó, trong 3 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc mới chỉ đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư.
Việt Nam là thị trường hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy tụt xuống vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỉ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư nhưng Nhật Bản lại có mức tăng trưởng lớn lên đến tận 88,8% so với cùng kỳ, vượt xa các quốc gia khác. Vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đăng ký của nước này. Điều này thể hiện thị trường Việt Nam càng ngày càng thu hút thêm các nhà đầu tư mới từ quốc gia mặt trời mọc.
Trước đó vào năm 2020, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) cũng đã chia sẻ rằng nhờ việc khống chế dịch bệnh tốt, chi phí kinh doanh cạnh tranh, thuận lợi xuất nhập khẩu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do là 3 tiêu chí được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao khi dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam làm gì để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản?
Từ đầu tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19. Việc mở cửa kinh doanh, khôi phục sản xuất trở lại trên quy mô rộng giúp Việt Nam dần lấy lại đà, cũng như là bật mở "tín hiệu xanh" cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt để thúc đẩy các cơ hội hợp tác tiềm năng.
Theo chia sẻ từ Công ty CP PGT Holdings, doanh nghiệp này đã và đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện cùng các nhà đầu tư Nhật Bản ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra. Đại diện PGT Holdings cho biết, khi thị trường mở cửa lại đồng nghĩa với cơ hội nhiều hơn nhưng kèm theo đó là cạnh tranh lớn hơn. Các nhà đầu tư sẽ thuận tiện đi lại, tìm hiểu và có nhiều lựa chọn hơn trước.
Để nâng cao sức cạnh tranh của mình, PGT Holdings đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật để chuẩn bị cho mình "diện mạo" hấp dẫn nhất trong mắt nhà đầu tư. Đồng thời, PGT Holdings cũng tăng cường giao lưu, quảng bá tiềm năng của thị trường Việt Nam nói chung và PGT nói riêng qua các buổi hội thảo xúc tiến thương mại Việt Nhật. Việc được dẫn dắt bởi CEO Nhật Bản Kakazu Shogo - đại sứ thiện chí tỉnh Okinawa Nhật Bản tại Việt Nam cũng là một lợi thế đáng kể để PGT có thể liên kết với các doanh nghiệp xứ sở Phù Tang.
Việt Nam và Nhật Bản hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Tháng 08/2021, PGT Holdings đã tổ chức buổi hội thảo "Đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch Corona" ở Tokyo Nhật Bản. Tại buổi hội thảo, ông Kinoshita, chủ sở hữu chuỗi 50 nhà hàng quốc tế chia sẻ lý do để ông chọn Việt Nam là bởi vì đây là nước có dân số trẻ, dễ thích nghi và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh so với các nước trên thế giới. Còn ông Naoaki Mashita đến từ Công ty CP Vcube, một công ty hoạt động trên lĩnh vực cung cấp công nghệ từ xa cũng cho biết sắp tới muốn mở rộng thị trường sang châu Á và Việt Nam là một trong những lựa chọn đáng cân nhắc.
Từ những khía cạnh đầy triển vọng trên, có thể thấy thị trường M&A Việt Nam sẽ tiếp tục nhộn nhịp trong thời gian tới, đem lại cơ hội hợp tác phát triển song phương cho các doanh nghiệp Việt Nhật.