Trong tuần này có 8 thương vụ M&A được thực hiện.
1. Công đoàn Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (Petrosetco, HOSE: PET) thông báo bán xong toàn bộ gần 1,6 triệu cp PET
Công đoàn Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (Petrosetco, HOSE: PET) báo cáo đã bán toàn bộ gần 1,6 triệu cp PET đang sở hữu, tương ứng 1,46% vốn, từ ngày 24/11-01/12/2023.
Ước tính Công đoàn Petrosetco thu về gần 39 tỷ đồng khi thoái xong vốn. Sau giao dịch, Công đoàn Petrosetco không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu PET nào.
2. Tổng Giám đốc CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) thông báo muốn sang tay 2 triệu cp SKG
Ông Puan Kwong Siing – Tổng Giám đốc CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) đăng ký bán 2 triệu cp đang nắm giữ trong giai đoạn từ 08/12/2023 – 04/01/2024, vì mục đích giảm tỷ lệ sở hữu.
Trước giao dịch, ông Puan đang nắm giữ 10,47 triệu cp, tương đương 16,53% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, ông sẽ hạ tỷ lệ xuống còn 13,38%, tương đương 8,47 triệu cp. Ước tính ông Puan sẽ thu về khoảng gần 29 tỷ đồng.
3. Cựu Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (Vneco, HOSE: VNE) thông báo chính thức thoái hết vốn tại VNE
Trong thời gian từ 01/11 - 30/11/2023, ông Trần Quang Cần - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (Vneco, HOSE: VNE) đã thoái toàn bộ 5,86 triệu cp VNE bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,15% về 0%. Ước tính ông Cần đã thu về hơn 38 tỷ đồng.
4. Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Thương mại Kỳ Hòa thông báo muốn thoái vốn tại Chứng khoán SaigonBank Berjaya
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo về việc đăng ký bán đấu giá cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Thương mại Kỳ Hòa đầu tư tại CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS)
Cụ thể, Du lịch Thương mại Kỳ Hòa sẽ bán đấu giá 4 triệu cp SBBS với giá khởi điểm 10,200 đồng/cp (cao hơn 2% so với mệnh giá). Cuộc đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 28/12/2023.
Ước tính theo giá khởi điểm, Du lịch Thương mại Kỳ Hòa sẽ thu về gần 41 tỷ đồng từ đợt đấu giá này.
5. Chủ tịch CTCP B.C.H (UPCoM: BCA) thông báo muốn mua 3 triệu cp BCA
Cụ thể, ông Phạm Bá Phú đăng ký mua 3 triệu cp BCA theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh, trong thời gian từ 07/12/2023-03/01/2024, với mục đích nhu cầu cá nhân.
Trước giao dịch, ông Phú đang nắm giữ 976 ngàn cp BCA, tỷ lệ 5,14%. Nếu giao dịch thành công, ông Phú sẽ tăng sở hữu lên gần 4 triệu cp, tỷ lệ 20,93% tại BCA.
6. Một cá nhân không còn là cổ đông lớn của CTCP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam (HNX: VHE)
Bà Nguyễn Thị Hạnh đã thoái sạch 2.1 triệu cp của CTCP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam (HNX: VHE) vào ngày 04/12/2023.
Trước giao dịch, bà Hạnh nắm 2,1 triệu cp VHE (tỷ lệ 6.34%). Sau giao dịch, vị này không còn sở hữu cổ phiếu VHE nào. Ước tính bà Hạnh có thể thu về 6,3 tỷ đồng.
7. Nhóm quỹ đầu tư Hàn Quốc thông báo mua thêm 1 triệu cp CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG), trở thành cổ đông lớn
Nhóm quỹ đầu tư Hàn Quốc đã trở thành cổ đông lớn tại CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) kể từ ngày 06/12.
Cụ thể, quỹ thành viên KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund thuộc Kim Vietnam Fund Management đã mua vào 1 triệu cp NKG. Ước tính KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund đã chi khoảng 24 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
8. Người thân Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG) đã thoái sạch vốn tại DDG
Ông Yang Tuấn An - Người phụ trách quản trị Công ty, đồng thời là con trai của bà Trần Kim Sa - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG) báo cáo đã thoái sạch vốn khỏi Công ty vì lý do tài chính cá nhân.
Cụ thể, trong 2 phiên 29/11 và 30/11, ông Tuấn An đã bán thành công 1 triệu cp như đăng ký, số cổ phần này ứng với tỷ lệ sở hữu vốn là 1,67%. Sau giao dịch, con trai Tổng Giám đốc DDG không còn là cổ đông của Công ty. Ước chừng ông Tuấn An đã thu về hơn 6 tỷ đồng từ giao dịch.
Trong tuần này chưa có thông tin IPO
Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp_là chủ đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm trong tuần này.
Thay đổi tư duy để doanh nghiệp lớn hơn về quy mô, thị trường hay hiệu quả hoạt động… từ thực hành quản trị tốt sẽ là vấn đề sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Trong đó, để tiếp cận nguồn vốn, cũng như huy động vốn từ thị trường, các doanh nghiệp phải chứng tỏ được khả năng quản trị trong việc bảo toàn và gia tăng vốn hiệu quả, tạo tác động tốt tới môi trường và kiến tạo những giá trị xã hội cao hơn. Do đó, quản trị doanh nghiệp với các yếu tố E&S (E - Môi trường, S - Xã hội) đang là xu thế được nhiều doanh nghiệp áp dụng để hướng tới tăng trưởng xanh và tín dụng xanh.
"Quản trị xanh không chỉ là quản trị truyền thống, quản trị về tài chính mà bao gồm quản trị về nguồn nhân lực, tạo tác động xã hội và nguồn năng lượng. Đây là xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này"
Chất lượng hoạt động của hội đồng quản trị dựa trên năng lực. Ở các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực, năng lực này dựa trên năng lực chuyên môn, vì vậy các quốc gia đặc biệt chú trọng vào đào tạo các thành viên hội đồng quản trị. Thông qua chương trình đào tạo bắt buộc, các thành viên của hội đồng quản trị sẽ được nâng cao nhiều kỹ năng liên quan tới quản trị công ty như tài chính, nhân lực, xã hội… Việt Nam có thể cân nhắc triển khai những chương trình này cho các thành viên hội đồng quản trị.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khởi nên cơ hội để tiếp cận nguồn vốn xanh là rất lớn. Theo quy định, những dự án xanh liên quan tới năng lượng sạch, năng lượng xanh, dự án giảm phát thải, dự án xử lý và chế biến rác, dự án trồng rừng tái tạo… là những dự án có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, đầu tư xanh từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, các dự án đang trong quá trình chuyển đổi xanh như ngành dệt may, da giày… cũng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng xanh, đầu tư xanh trên thị trường. Vấn đề là các doanh nghiệp phải có chất lượng quản trị tốt, minh bạch và hiệu quả liên quan tới yếu tố E&S.
Thực tế hiện các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh đang phải tự chứng minh tác động của dự án chuyển đổi xanh, các ngân hàng tự đánh giá theo bộ tiêu chí của riêng mình về tín dụng xanh và quản trị rủi ro… Do đó về lâu dài, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm đưa ra các văn bản hướng dẫn để mở rộng kênh tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp. Hy vọng trong năm 2024, bộ tiêu chí tín dụng xanh cho các dự án xanh và chuyển đổi xanh sẽ được ban hành.
Khép lại phiên giao dịch ngày 8/12/2023, mã PGT đóng cửa với mức giá 3,100 VNĐ./