Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt mức 13,314 tỷ tương ứng với 756 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 148 tỷ trong phiên giao dịch khớp lệnh sàn HOSE.
Trong tuần này có 6 thương vụ M&A được thực hiện.
1. CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) thông báo thoái toàn bộ cổ phần Dệt May Liên Phương
CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Dệt may Liên Phương.
Cụ thể, TDH sẽ chuyển nhượng hơn 2,2 triệu cổ phần của Dệt may Liên Phương với giá 12,000 đồng/cp. Tiến độ thực hiện trước ngày 31/12 năm 2023,
2. Dragon Capital thông báo trở thành cổ đông lớn thứ 2 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG).
Dragon Capital thông báo đã mua vào 1,1 triệu cp HSG vào ngày 28/03. Sau giao dịch, nhóm quỹ ngoại nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,86% lên 5,05% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Tập đoàn Hoa Sen.
3. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) thông báo chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Kinh Bắc – Đà Nẵng
Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng.
Theo đó, Kinh Bắc sẽ chuyển nhượng 1091 tỷ đồng vốn góp, tương đương 100% vốn điều lệ đơn vị này. Thời gian hoàn thành chuyển nhượng là ngày 29/3 vừa qua và Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng không còn là công ty con của Kinh Bắc.
4. Dragon Capital thông báo bán 1,8 triệu cp CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM)
Sau khi mua vào giai đoạn cuối năm 2022, quỹ ngoại Dragon Capital bắt đầu bán ra cổ phiếu của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM).
Cụ thể, ngày 03/04, thành viên của Dragon Capital là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra 1,8 triệu cp DCM. Qua đó, tổng tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital giảm từ 33,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 6,27%) xuống còn 31,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,93%).
5. Cổ đông lớn của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) thông báo bán hàng chục triệu cp
Chỉ trong nửa tháng, từ ngày 20/03-06/04, CTCP Đầu tư Pacific Holdings đã bán tổng cộng 32,6 triệu cp của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG), qua đó hạ tỷ lệ sở hữu từ 60,23% xuống còn 56,19% vốn điều lệ (tương đương hơn 273 triệu cp). Ước tính Pacific Holdings đã thu về gần 411 tỷ đồng,
6. Dragon Capital thông báo bán ra 1 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG)
2 quỹ thành viên của Dragon Capital vừa báo cáo kết quả thực hiện giao dịch cổ phiếu MWG vào ngày 3/4 vừa qua. Theo đó, Amersham Industries Limited đã bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG. Tuy nhiên Hanoi Investments Holdings Limited mua vào 20,400 cổ phiếu MWG.
Ước tính, Dragon Capital có thể đã thu về 38 tỷ đồng sau khi thực hiện giao dịch.
Giữ chân dòng vốn vào Việt Nam trong bối cảnh "Làn sóng vỡ nợ toàn cầu" là chủ đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Việt Nam nên làm gì để giữ chân nguồn vốn FDI?
Làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp trên toàn cầu có thể tác động tiêu cực tới việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong thời gian tới. Những thay đổi trong cam kết FDI tại Việt Nam giai đoạn 2020-2022 đồng pha với diễn biến kinh tế toàn cầu: năm 2020 được đánh dấu bằng mức cam kết FDI thấp, tăng vào năm 2021 khi nhiều nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng các cam kết giảm trở lại vào năm 2022 khi căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra và số vụ vỡ nợ trên toàn cầu tăng gấp 3 lần.
Với triển vọng toàn cầu như trên, các chuyên gia cho rằng sử dụng chính sách tài khóa hiệu quả là cách để Việt Nam tự phòng vệ với những rủi ro về suy giảm tăng trưởng. Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động, nhưng yếu kém trong triển khai đã và đang làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa.
Trong Khuyến nghị chính sách tài khóa cho Việt Nam tại báo cáo "Điểm lại 2023" của World Bank (WB) khuyến nghị rằng trước mắt, trọng tâm cần nhằm vào triển khai dự toán đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong chương trình chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, bao gồm đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng số. Những dự án này sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời góp phần cho tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.
Trong trung hạn, xử lý những trở ngại thể chế dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ chương trình đầu tư công là cách để nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội theo cách có mục tiêu sẽ giúp chống đỡ hệ quả của lạm phát tăng cao đối với các hộ nghèo và dễ bị tổn thương, đồng thời tạo ra lớp đệm chống đỡ tác động đối với tiêu dùng tư nhân.
Tuy nhiên, nếu lạm phát cơ bản và toàn phần tiếp tục gia tăng, công tác phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ trở nên hết sức cần thiết. Trong hoàn cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát thông qua tiếp tục tăng lãi suất. Nhưng, tiếp tục tăng lãi suất có thể làm trầm trọng hơn các điểm yếu hiện có trong lĩnh vực tài chính. Do đó, việc duy trì tính thanh khoản cần thiết hỗ trợ các thị trường vốn chính là tối quan trọng để tránh lạm phát bùng lên.
Rủi ro tài chính nổi lên cho thấy nhu cầu cần tăng cường khung chính sách, giám sát, và quản trị doanh nghiệp đối với khu vực tài chính.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện các cải cách cơ cấu sâu sắc nhằm nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Cải cách về quản lý nhà nước sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và chuyển sang sản xuất kinh doanh trong khu vực chính thức, qua đó nâng cao tăng trưởng năng suất và giúp khu vực tư nhân tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. Những cải cách này nhằm đảm bảo nguồn lực được phân bổ cho những doanh nghiệp có năng suất cao nhất, đồng thời cải cách khuôn khổ pháp lý cho phát sản cho phép đóng cửa những doanh nghiệp kém hiệu quả. Chúng cũng có thể bao gồm những biện pháp giúp cải thiện năng suất của doanh nghiệp thông qua tăng cường tiếp cận tài chính (ngân hàng số, phát triển thị trường vốn).
Khép lại phiên giao dịch ngày 7/4/2023, mã PGT đóng cửa với mức giá 2,900 VNĐ./