HNX-Index tăng 1,91 điểm lên 234,98 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 92,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,462 tỷ đồng. Toàn sàn có 120 mã tăng giá, 71 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,5 điểm lên 88,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 70,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 784,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 249 mã tăng, 118 mã giảm và 122 mã đứng giá.
Trong tuần này có 8 thương vụ M&A được thực hiện.
1. Một cá nhân chi tiền tỷ trở thành cổ đông lớn của CTCP Tư vấn Đầu tư PP Enterprise (HNX: PPE)
CTCP Tư vấn Đầu tư PP Enterprise (HNX: PPE) mới đây thông báo có sự thay đổi cổ đông lớn. Đáng chú ý, xuất hiện cổ đông mới liên quan tới Công ty TNHH Đầu tư Central Capital.
Cụ thể, bà Trần Thị Dịu Hòa đã mua thành công gần 299,200 cp, tỷ lệ sở hữu 14.96% vốn, và trở thành cổ đông lớn của PPE từ ngày 10/07. Trước đó bà Hòa không nắm giữ cp nào.
2. Người thân Chủ tịch CTCP Thép Pomina (HOSE: POM) thông báo bán 5 triệu cp
Bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em của Chủ tịch Pomina Đỗ Duy Thái, bán ra hơn 5 triệu cp ngay trước khi chuỗi tăng trần của cổ phiếu POM bắt đầu.
Cụ thể, bà Ngọc đã bán hơn 5,2 triệu cp POM từ ngày 11-13/07, chưa đạt mức đăng ký bán trước đó là 5.5 triệu cp. Sau giao dịch, bà Ngọc còn nắm giữ gần 10.2 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,64% tại Pomina. Xét theo mức giá trung bình 6,900 đồng/cp, bà có thể thu về 36 tỷ đồng.
3. Người thân Chủ tịch thông báo "sang tay" 124.7 triệu cp Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) cho Funderra?
Số lượng cổ phiếu con trai Chủ tịch VIB đăng ký bán đúng bằng số cổ phiếu CTCP Funderra đăng ký mua.
Ông Đặng Quang Tuấn - con trai Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) muốn bán sạch hơn 124,7 triệu cp VIB đang sở hữu, tương đương 4,916% vốn, trong thời gian từ 21/07-20/08, với lý do thay đổi tài chính cá nhân. Phương thức giao dịch qua thỏa thuận và khớp lệnh.
4. Quỹ lớn nhất Dragon Capital giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ)
Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ thành viên lớn nhất do Dragon Capital quản lý, đã bán ra 600,000 cp CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) trong ngày 13/07/2023.
Sau giao dịch, quỹ này giảm sở hữu tại đây từ 9,7 triệu cp (tỷ lệ 2.95%) xuống còn 9,1 triệu cp (tỷ lệ 2,77%). Tổng số cổ phiếu PNJ mà nhóm Dragon Capital đang nắm giữ cũng giảm xuống 29,1 triệu cp, tương ứng 8,88% vốn. Ước tính quỹ lớn nhất Dragon Capital đã thu về khoảng 47 tỷ đồng.
5. Trợ lý Chủ tịch HĐQT thông báo bán sạch cổ phiếu CTCP Rạng Đông Holding (HOSE: RDP)
Với mục đích cơ cấu danh mục, bà Hồ Thị Mỹ Hảo đăng ký bán toàn bộ hơn 1,7 triệu cp CTCP Rạng Đông Holding (HOSE: RDP) đang nắm giữ, tương ứng 3,51% vốn, từ ngày 24/07-22/08/2023.
Về mối liên hệ, bà Hảo đang là Trợ lý Chủ tịch HĐQT RDP, đồng thời đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT CTCP Trading Rạng Đông - công ty con do RDP sở hữu 51% vốn, tương ứng giá trị đầu tư 30 tỷ đồng (tính tới cuối quý 1/2023).
6. Người thân của Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB) thông báo đã hoàn tất thoái sạch vốn tại PGB.
Cụ thể, ngày 11/07/2023, bà Đinh Thị Bé, chị ruột Phó Tổng Giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT PG Bank - ông Đinh Thành Nghiệp, đã bán sạch gần 4,13 triệu cp đang nắm giữ, tương đương 1,38% vốn tại PGB.
Cùng ngày, em ruột vị Phó Tổng này là ông Đinh Văn Lâm cũng đã bán sạch gần 3,4 triệu cp PGB đang nắm giữ, tương đương 1,13% vốn. Ước tính bà Bé thu về hơn 115 tỷ đồng và ông Lâm thu về xấp xỉ 95 tỷ đồng.
7. CTCP Chứng khoán APG (HOSE: APG) thông báo thoái sạch vốn khỏi CTCP Đầu Tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (UPCoM: PSG)
CTCP Chứng khoán APG (HOSE: APG) đã bán toàn bộ hơn 1,76 triệu cp đang nắm giữ tại CTCP Đầu Tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (UPCoM: PSG), tương ứng 5,03% vốn, qua đó không còn là cổ đông tại đây từ ngày 14/07/2023.
Phiên 14/07 ghi nhận hơn 1,76 triệu cp PSG được giao dịch thỏa thuận, đúng bằng khối lượng APG báo cáo, giá trị giao dịch đạt gần 2,5 tỷ đồng, tương ứng giá giao dịch trung bình là 1,400 đồng/cp – cao hơn 17% so với thị giá hôm đó (1,200 đồng/cp).
8. Tập đoàn Singapore thông báo chi 9,000 tỷ mua lại Bệnh viện FV tại TP. HCM
Tập đoàn chăm sóc sức khỏe Thomson Medical Group Limited (TMG) của Singapore thông báo đã đồng ý mua lại bệnh viện FV tại TP. HCM với giá 381,4 triệu USD (khoảng 9,000 tỷ đồng). Đây là thương vụ giao dịch chăm sóc sức khỏe lớn nhất ở Đông Nam Á kể từ năm 2020.
Theo các điều khoản của hợp đồng mua bán, TMG mua lại 100% cổ phần của Công ty TNHH Y Tế Viễn Đông Việt Nam (FEMV), là đơn vị đang điều hành một loạt các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, bao gồm Bệnh viện Đa khoa hạng hai FV và mạng lưới các phòng khám chuyên khoa.
Công ty niêm yết tại Singapore sẽ trả trước khoảng 359,6 triệu USD và trả thêm 21,8 triệu USD khi bệnh viện FV đáp ứng được một vài tiêu chí hiệu suất trong kết quả hoạt động.
Trong tuần này có 2 thông tin IPO.
1. Chứng khoán Nhất Việt lên sàn HNX từ 24/07
Theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hơn 80 triệu cp VFS của CTCP Chứng khoán Nhất Việt sẽ được niêm yết trên HNX từ ngày 24/07/2023.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 21,200 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 1,7 ngàn tỷ đồng.
2. CTCP Sơn Á Đông thông báo chào sàn HOSE ngày 27/07
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của CTCP Sơn Á Đông.
Hơn 23 triệu cp ADP của CTCP Sơn Á Đông, tương đương tổng giá trị trên 230 tỷ đồng, sẽ chính thức giao dịch trên sàn HOSE vào ngày 27/07/2023 với giá tham chiếu 19,550 đồng/cp, thấp hơn 5% so với mức giá kết phiên cuối cùng trên UPCoM.
Đáo hạn trái phiếu quý 3, có tác động ra sao tới TTCK? _ là chủ đề mà các nhà phân tích của PGT Holdings (HNX: PGT) nhấn mạnh cho nhà đầu tư trong tuần này.
Thị trường chứng khoán có bị tác động khi trái phiếu đáo hạn?
Nhìn chung, các vấn đề của thị trường trái phiếu trong năm nay do nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị từ trước, các tác động về mặt tâm lý được giảm thiểu tối đa và sẽ không gây ra các cú shock như trong năm 2022.
Trên thực tế, một số sự kiện chậm trả lãi và gốc đã diễn ra từ cuối 2022 đến nay với quy mô không nhỏ nhưng tác động lên thị trường chung là không đáng kể.
Bên cạnh đó, một số yếu tố hỗ trợ khác cũng đã xuất hiện và tác động tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và ngành bất động sản nói riêng như: i) doanh nghiệp dễ đàm phán với trái chủ hơn nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; ii) Các chính sách hỗ trợ thị trường Trái phiếu doanh nghiệp được ban hành ở Nghị định 08 và thông tư 02,03; iii) Mặt bằng lãi suất giảm (dù có độ trễ), giúp phần nào giảm áp lực trả lãi vay từ đó hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Dù hiện tại chưa nhìn thấy rủi ro xuất hiện 1 cú shock lớn nào ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, sự ổn định vĩ mô, cũng như thị trường chứng khoán (tương tự sự kiện Vạn Thịnh Phát – SCB).
Tuy nhiên, với quy mô đáo hạn lớn và việc mất khả năng thanh toán đang dần được bộc lộ rõ nét, nợ xấu ngân hàng được dự báo tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên chi phí dự phòng, lợi nhuận ngành ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay và qua đó tác động tiêu cực kiềm hãm đà hồi phục của thị trường chứng khoán.
Chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết khi tăng mạnh ở mức 37% trong quý 1, từ đó kéo theo kết quả kinh doanh kém khả quan, đặc biệt ở các doanh nghiệp bất động sản khi lợi nhuận quý 1/2023 giảm 24% nếu loại trừ đột biến ở VIC, VHM.
Khép lại phiên giao dịch ngày 21/7/2023, mã PGT đóng cửa với mức 3,700 VNĐ./