Kết phiên giao dịch ngày 14/3/2023, VN-Index giảm 12,67 điểm (1,2%) xuống còn 1,040.13 điểm, HNX-Index giảm 3,3 điểm (1,6%) về 202,55, UPCoM-Index giảm 0,61 điểm (0,8%) còn 75,57 điểm. Thanh khoản ở mức 10447 tỷ đồng rót vào VN-Index tương ứng với 620 triệu cổ phiếu, 1140 tỷ rót vào HNX-Index tương ứng với 78 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên sàn HOSE với giá trị 342 tỷ đồng.
Có thể kỳ vọng vào khả năng hồi phục của thị trường
Dưới tác động kém khả quan của thế giới, thị trường chứng khoán Việt đã ghi nhận tín hiệu nâng đỡ khi lùi về vùng hỗ trợ gần 1.050. Nhờ vậy, thị trường đóng cửa với mức giảm đã được thu hẹp đáng kể. Với diễn biến này, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và có thể nới rộng nhịp tăng trong ngắn hạn để kiểm tra vùng cản 1.070-1.090 điểm tại VN-Index và VN30-Index.
Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào khả năng hồi phục của thị trường, đồng thời có thể tìm kiếm cơ hội ngắn hạn trong nhịp điều chỉnh tại những cổ phiếu duy trì được xu hướng tích cực thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn cần kiểm soát tỷ trọng danh mục hợp lý do nhịp hồi phục hiện tại có thể chỉ mang yếu tố kỹ thuật.
VN-Index tạo nền tích lũy
Tháng 3/2023, thị trường chứng khoán tiếp tục đón nhận nhiều thông tin kém tích cực, từ sự kiện đáo hạn trái phiếu, một số doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, đến động thái của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chỉ số VN-Index tính đến ngày 8/3 đạt 1049,18 điểm, tăng 2,4% so với cuối tháng 2.
Trước đó, tháng 2 không có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khi VN-Index đóng cửa tại 1.024,68 điểm, giảm 7,8% so với cuối tháng 1/2023. Tất cả các nhóm ngành đều giảm điểm, ngoại trừ ngành năng lượng tăng 0,4%.
Một trong những yếu tố bên ngoài dự kiến sẽ tác động lên diễn biến của VN-Index thời gian tới là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo nâng lãi suất thêm ít nhất 0,25% sau cuộc họp ngày 16/3/2023. Đáng lưu ý, dữ liệu lạm phát tháng 2/2023 của Mỹ cho thấy dấu hiệu tăng cao trở lại, khiến con đường đến mục tiêu lạm phát 2% trở nên xa hơn (chỉ số CPI tháng 2 tăng 7,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1/1982 và là tháng thứ 5 liên tiếp ở trên ngưỡng 6%), dẫn đến Fed được nhìn nhận sẽ có thêm 3 - 5 lần tăng lãi suất cho đến cuối năm 2023.
Trong nước, các động thái chính sách với thị trường bất động sản hiện chưa đủ tích cực để giữ tâm lý đầu tư trên thị trường chứng khoán ổn định. Các báo cáo về việc không ít tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp không đủ khả năng thanh toán đã tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Giá trị giao dịch bình quân trên HOSE trong những phiên gần đây đạt chưa tới 10000 tỷ đồng/phiên, giảm 10% so với mức trung bình tháng 2/2023 và chạm mức thấp trong 25 tháng qua.
Xu hướng phục hồi vẫn là chủ đạo
Tuần này, thông tin quan trọng sẽ đến từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs ngoại là VNM ETF và FTSE ETF cũng như hoạt động giải ngân của quỹ Fubon ETFs sau khi gọi vốn thành công. Kỳ vọng rằng dòng vốn ngoại sẽ mua ròng mạnh mẽ trong tuần tới và là yếu tố giữ nhịp cho thị trường.
Ước tính quỹ VNM ETF và Fubon ETF có thể mua ròng hơn6.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 1-2 tuần tới. Trong bối cảnh đó, chỉ số VN-Index có thể duy trì xu hướng phục hồi và hướng tới vùng cản cũ quanh 1.070-1080 điểm. Trong quá trình đi lên thị trường có thể sẽ có những phiên rung lắc do tác động từ những lo ngại về việc Fed thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 3 tới đây. Tuy vậy, xu hướng phục hồi sẽ vẫn là chủ đạo.
Sóng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang nhen nhóm
Với kỳ vọng dòng tiền từ các quỹ ETF đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam và bối cảnh thị trường thanh khoản thấp, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tập trung vào những cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Đó là những cổ phiếu kháng cự lại đà giảm của chỉ số chung, tích lũy chặt hoặc ghi nhận các tín hiệu cho thấy dòng tiền đang gom mua, đợi thị trường hồi phục.
Nhà đầu tư có thể xem xét nâng tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh ngắn của thị trường, ưu tiên giải ngân vào những nhóm cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ như được ETFs mua ròng giá trị lớn, Trung Quốc mở cửa và đầu tư công.
Các chuyên gia cho rằng, điểm tích cực là biên độ dao động hẹp, độ rộng thị trường có sự phân hóa và dòng tiền đầu cơ vẫn hoạt động tích cực ở nhóm cổ phiếu nhỏ.
Do có giá trị vốn hóa không cao, dòng tiền chuyển dịch từ nhóm blue-chips có thể dễ dàng tác động đến giá trị giao dịch của các cổ phiếu nhóm vừa và nhỏ, từ đó tạo ra các làn sóng đầu tư vừa và nhỏ hàng năm.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang có lợi thế nhờ dòng tiền đầu cơ vẫn hoạt động mạnh ở các nhóm cổ phiếu như: đầu tư công, sản xuất điện, dầu khí, bất động sản vừa và nhỏ…. Dòng tiền nhìn chung sẽ phân hóa mạnh, nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu cụ thể thay vì chỉ số chung có thể bị chi phối bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Với góc nhìn là 1 nhà đầu tư ngoại ông Kakazu Shogo, CEO PGT Holdings (HNX: PGT) chia sẻ: "Nhà đầu tư cần chú ý quan sát diễn biến cung cầu trong vùng thăm dò để đánh giá thị trạng thái thị trường, nên tránh mua đuổi và có thể cân nhắc cơ cấu doanh mục theo hướng giảm rủi ro khi các chỉ số tăng đến gần vùng cản của thị trường.
Với sự dịch chuyển của dòng tiền như hiện nay, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ tiếp tục đà tăng, do vậy chỉ số chung của thị trường có thể không tăng mạnh nhưng độ rộng và sự lan tỏa của dòng tiền sẽ tích cực."
Khép lại phiên giao dịch ngày 14/3/2023, mã PGT đóng cửa với mức giá 3,100 VNĐ./