Chốt phiên giao dịch ngày 10/2/2023, VN-Index giảm 8,73 điểm xuống 1055,3 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 464 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 8161 tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có tới 306 mã giảm giá, trong khi chỉ có 93 mã tăng giá và 69 mã đứng giá.
HNX-Index cũng giảm 2,41 điểm xuống 208,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 51,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 761,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 116 mã giảm giá, 54 mã tăng giá và 56 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng nhẹ 0,09 điểm lên 77,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 31,67 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 318 tỷ đồng. Toàn sàn có 183 mã giảm giá, 109 mã tăng giá và 104 mã đứng giá.
Thực trạng trái phiếu trong năm 2023
Trong năm 2023 này sẽ có gần 290,000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó trên 40% là trái phiếu bất động sản. Đó là chưa kể dưới sức ép của nhiều trái chủ, không ít doanh nghiệp buộc phải cam kết mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong bối cảnh hiện nay, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ngành bất động sản. Nếu họ không thể thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn thì có thể gây ra những hệ lụy khôn lường không chỉ với doanh nghiệp, mà cả thị trường tài chính của Việt Nam.
Bên cạnh những động thái nhằm siết lại kỷ cương thị trường mà Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục thực hiện, giải pháp tốt nhất hiện nay để khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu là giúp doanh nghiệp trả được nợ trái phiếu đúng hạn, nhất là với doanh nghiệp ngành bất động sản mà hiện nay gần như đã cùng đường.
Tất nhiên, Nhà nước không thể bắt buộc các ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn để đáo hạn trái phiếu, nhưng Nhà nước vẫn có thể giúp các doanh nghiệp trong ngành này bằng cách nhanh chóng giải quyết những ách tắc về pháp lý của các dự án bất động sản.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 30-12-2022, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng doanh nghiệp bất động sản nên bán bớt dự án chưa triển khai để tạo dòng tiền. Đây có lẽ là giải pháp khả thi nhất mà doanh nghiệp trong ngành này có thể trông cậy trong bối cảnh hiện nay để giải tỏa cơn khát vốn. Nhưng doanh nghiệp làm thế nào để bán được khi tài sản đất đai của họ còn đang bị các thủ tục hành chính phong tỏa.
Ngoài ra, với những doanh nghiệp có lãnh đạo đang bị vướng vào rắc rối pháp lý, Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ để giúp họ có cơ hội để thanh toán cho người đã lỡ mua trái phiếu của họ càng sớm càng tốt. Vì người sở hữu trái phiếu của những doanh nghiệp này nhận lại được tài sản của họ càng sớm thì niềm tin của thị trường đối với trái phiếu doanh nghiệp càng nhanh có cơ hội hồi phục và thị trường tài chính của Việt Nam cũng sớm trút được một mối lo lớn.
32,8 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ được phát hành trong tháng 01/2023
Trong tháng 01/2023, Bộ Tài chính đã phát hành gần 32.8 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, lãi suất bình quân 4.54%/năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhằm cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, trong tháng 1, Bộ Tài chính đã phát hành gần 32.8 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12.51 năm, lãi suất bình quân 4.54%/năm.
Được biết, kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ năm 2023 là 400 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thông qua hình thức đấu thầu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Con số này sẽ bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trong đó, kế hoạch phát hành cho quý I/2023 là 108 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, kỳ hạn 5 năm và 7 năm là 8 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 45 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 45 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm là 5 ngàn tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 5 ngàn tỷ đồng.
Theo Kho bạc Nhà nước, trong quá trình thực hiện có thể sẽ có điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách nhà nước.
Chính phủ yêu cầu trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về TPDN trước ngày 10/2/2023
Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2023 trực tuyến với địa phương mới được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo Nghị quyết số 10, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Chủ trì, cùng với các bộ, cơ quan liên quan bám sát diễn biến, tình hình giá cả thị trường, thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá linh hoạt, thận trọng, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định hiện hành, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân...; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 18/10/2022 để khai thác hiệu quả hơn các dư địa thu ngân sách nhà nước trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong công tác quản lý thu đối với hoạt động thương mại điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023. Tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù, nhất là dịch vụ ăn uống, trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như đi công tác, khánh tiết, hội thảo, hội nghị...
Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2/2023; khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo các nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó cần chủ động dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tập trung cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; hoàn thiện phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Khẩn trương tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023.
Với góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Kakazu Shogo CEO của PGT Holdings nhấn mạnh với tư cách là chủ doanh nghiệp điều hành các công ty niêm yết:
"Thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng là thị trường hết sức nhạy cảm, là thị trường của niềm tin. Do đó, tính minh bạch là điều cần đặc biệt chú trọng. Một thị trường phát triển tốt và bền vững cần dựa trên nhân tố cốt lõi là niềm tin của giới đầu tư và niềm tin này chỉ có thể có nếu thị trường thực sự công khai, minh bạch. Nếu doanh nghiệp không chú trọng những điều này, việc mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường sẽ là điều tất yếu.
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có phương án tái cấu trúc nợ và phải minh bạch cho nhà đầu tư. Có thể lập một hội đồng đàm phán với các trái chủ để cơ cấu lại các khoản nợ. Từ đó, tạo niềm tin kinh doanh cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước."
Thống kê giao dịch của mã PGT trên sàn HNX.
Khép lại phiên giao dịch ngày 10/2/2023, mã PGT đóng cửa với mức giá 3,200 VNĐ./